Du học Mỹ thành công với top 50-100 như thế nào? – Điểm GPA và SAT (phần 1)

Du học Mỹ là ước mơ của rất nhiều người nhưng cũng rất là nhiều bạn chưa biết hoặc chưa hiểu rõ được một bộ hồ sơ đi du học Mỹ top 100 cần có những yếu tố nào. Vì vậy mình muốn viết loạt bài về việc apply hồ sơ du học Mỹ để chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn và giúp các bạn chuẩn bị một bộ hồ sơ tốt hơn cho bản thân.

Là một chuyên gia tư vấn về du học đã được 5 năm, mình đã tư vấn cho khá nhiều các bạn học sinh cấp 3 của lớp 10,11,12 trong quá trình apply các trường đại học Mỹ trong top 100 của NU (National University) và LAC (Liberal Art College) như Duke University (#10NU), Wesleyan University (#18 LAC), New York University (#25NU), Macalester University (#27NU), Denison University (#39 LAC), Dickinson University (#51 LAC), University of Massachusetts–Amherst (#67NU) và rất nhiều trường đại học khác.

Các bạn có thể đọc các bài viết khác về Du học Mỹ của mình ở link này nhé!

img_0

Vì vậy mình khá là tự tin có thể chia sẻ cho các bạn những hiểu biết của mình về việc đi du học Mỹ như thế nào và làm sao cho hiệu quả. Vậy hãy cùng mình bắt đầu nhé! Yên tâm là mình không có quảng cáo cho trung tâm du học nào đâu mà thật sự chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của mình để giúp cho các bạn có được định hướng tốt nhất thôi.

Bài này mình sẽ chia làm nhiều phần do độ dài tương đối lớn, các bạn hãy vào từng phần một để đọc nhé.

Phần 1A: Hồ sơ học thuật

Toàn nước Mỹ có khoảng 4000-5000 trường thuộc hệ thống đại học, cao đẳng. Để vào được top trường từ 50-100 theo khảo sát của USNews, bạn cần xây dựng một bộ hồ sơ có chiến thuật chứ không thể nào một bộ hồ sơ yếu, hoặc chắp vá lại có thể vào được các trường top 100 của nước Mỹ.

Không như các nước khác, có thể chỉ cần một số giấy tờ hoặc chứng minh tài chính là đi được, Mỹ lại là một đất nước đòi hỏi nhiều yếu tố trong hồ sơ du học hơn các nước khác, đặc biệt là các trường đại học top 100. Cac bạn lưu ý, mình sẽ chỉ chia sẻ kinh nghiệm vào các trường đại học top 100 của Mỹ, còn các trường top ngoài 100 thì các bạn có thể dựa vào đây để có cho mình một cái nhìn sơ qua, họ có thể yêu cầu đầu vào thấp hơn và dễ thở hơn, nhưng bạn vẫn cần đọc kỹ yêu cầu của trường trước khi nộp hồ sơ nhé!

img_1

Ở Mỹ, các trường đại học sẽ xét toàn diện cả một bộ hồ sơ, gọi là “holistic review”, bao gồm:

– Hồ sơ học thuật (gồm điểm số IELTS, SAT, GPA…, các bài luận, thư giới thiệu)

– Hồ sơ ngoại khóa (các hoạt động thiện nguyện, các hoạt động năng khiếu hoặc các hoạt động lãnh đạo (leadership)

– Hồ sơ tài chính (các giấy tờ bảng lương của bố mẹ, sổ tiết kiệm hoặc xác nhận tiền gửi).

Thông thường với hồ sơ Học thuật, học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được khá tốt do hiện tại, các bạn đều có những trung tâm có thể dạy và thi kiến thức về IELTS/TOEFL hoặc SAT/ACT, các môn trên lớp thì chỉ cần đảm bảo yếu tố GPA (điểm trung bình) trong khoảng từ 8.0-9.0 trở lên là được. Tuy nhiên một yếu tố mà học sinh Việt Nam chưa mạnh chính là hồ sơ Ngoại khóa.

Ngược lại, với thời khóa biểu dày đặc, học sinh Việt Nam khá là khó để sắp xếp để tham gia các hoạt động ngoại khóa. Các học sinh của các trường chuyên như trường Hà Nội Amsterdam, trường chuyên Khoa học Tự Nhiên hoặc là Chuyên Ngoại Ngữ (CNN)… thì có thể sẽ dễ được tạo điều kiện hơn, do trong trường, các bạn đã có sẵn các câu lạc bộ hoặc nhóm hoạt động để đăng ký tham gia. hoặc những câu lạc bộ năng khiếu như đàn piano, vẽ, hát…

Còn các trường không chuyên hoặc các trường ở những địa phận ngoài Hà Nội thì có thể sẽ ít hoạt động hơn do trường không chú trọng và không có định hướng cho học sinh đi Mỹ. Nhưng nếu các bạn muốn thì có thể vẫn tìm và tham gia các hoạt động ngoại khóa phù hợp với các tiêu chí mà bản thân muốn hướng đến như các câu lạc bộ về Tranh Biện, Môi trường, Thiện nguyện

Còn bây giờ, hãy cùng mình đi sâu vào bộ hồ sơ đầu tiên và cũng là bộ hồ sơ quan trọng nhất, là bộ hồ sơ học thuật. Trong phần này mình sẽ chia ra làm các nội dung về Điểm số, bài luận thư giới thiệu. Phần Điểm số mình sẽ nói trước, còn Bài luận Thư giới thiệu mình sẽ nói trong phần khác để bài đỡ dài nha.

A. Điểm số

Nói đến hồ sơ học thuật để đi Mỹ, không ai có thể phủ nhận được tác dụng đáng kể của việc có một loạt các điểm số đẹp là để chứng minh cho nhà tuyển sinh thấy được khả năng học tập của bạn. Dù gì đi chăng nữa thì điểm GPA của bạn là 9.5, IELTS 8.0, SAT 1500 luôn là con số biết nói. Nó tương đương với việc bạn có một cái bằng cấp khi đi xin việc, vì bạn đã có đủ yếu tố yêu cầu đầu vào của một trường đại học top 100 của Mỹ

Chúng mình cùng đi sâu vào phân tích các điểm số nhé:

1. GPA (Grade Point Average)

GPA là điểm số trung bình của các năm học mà học sinh đã học trong quá trình học tập. Điểm GPA là một chỉ số quan trọng, đánh giá thành tích học tập của các bạn học sinh trong cả một năm học. Thường để apply vào các trường bên Mỹ thì cần phải nộp bảng điểm trong đó có điểm trung bình của lớp 9,10 và lớp 11. Điểm trung bình nên tăng dần đều qua các năm, tức là ví dụ lớp 9, học lực của bạn ở mức 8.0, thì lớp 10, bạn nên phấn đấu để điểm trung bình khoảng 8.5, lớp 11 là 9.0 chẳng hạn để cho nhà tuyển sinh thấy được sự tiến bộ của bạn.

img_2

Trong việc apply hồ sơ Mỹ, bạn nên chú ý đến từng điểm một trong bảng điểm của bạn. Ví dụ có 12 môn học thì bạn nên chú ý cả 12 môn chứ không nên học lệch, học tủ một số môn. Có những trường họ sẽ cần mình nộp bảng điểm của 3 năm học qua hệ thống Common App bằng cách scan bảng điểm có chữ ký và dấu của nhà trường. Nhưng có 1 số trường sẽ còn đòi hỏi bạn phải khai từng điểm một trong bảng điểm của mình qua hệ thống Coalition App. Thế nên bạn cần phải có từng điểm số đều rất tốt để nhà tuyển sinh thấy bạn là người học giỏi đều các môn. Bạn nên tránh việc chỉ có điểm cao ở một số môn như Toán, Lý, Hóa rồi nghĩ là có thể gánh điểm được cho các môn như Sử, Địa, Văn thấp nhé. Vì nhà tuyển sinh sẽ thấy quá trình mình học thông qua điểm số.

img_3

Tất nhiên, việc xét duyệt hồ sơ Mỹ là một quá trình toàn diện, khôndg chỉ phụ thuộc vào 1 yếu tố. Nhưng nếu mỗi yếu tốt mình thúc đẩy lên thêm một chút thì cả bộ hồ sơ sẽ được đẩy rất mạnh

2. Điểm SAT/ ACT

Điểm SAT (hay còn gọi là Scholastic Aptitude Test) là một kỳ thi chuẩn hóa của Mỹ dành cho những bạn muốn vào các trường đại học của Mỹ. Mỗi lần nói đến SAT là học trò mình lại “rét run” bởi độ khó của nó, cũng như là tầm quan trọng của SAT. Thường thì kỳ thi SAT sẽ được tổ chức khoảng 5 lần/năm ở Việt Nam, rơi vào các tháng từ tháng 3, tháng 5, tháng 8, tháng 10 và tháng 12. Với hình thức thi tại chỗ, khoảng thời gian thi là khoảng 3 tiếng do tổ chức College Board đứng ra tổ chức.

Các kỹ năng được kiểm tra trong SAT bao gồm Đọc hiểu, Ngôn ngữ, và Toán học. Tổng thời gian thi là trong 3 tiếng. Điểm SAT trung bình của học sinh bên mình được tiếp nhận lúc tư vấn cho các bạn thường rơi vào khoảng từ 1300-1400. Nếu các bạn chưa đạt đến điểm đó, mình cũng khuyến khích các bạn có thể thi khoảng 2-3 lần để có thể dạt được điểm số như mong muốn. Nếu các bạn muốn vào các trường top 100 thì điểm số từ 1350-1450 là đủ yêu cầu. Nhưng nếu các bạn muốn vào những trường Ivy thì điểm tối thiểu bạn nên có cũng phải là 1500 nhé, vì thường học sinh IVY luôn có điểm số dao động từ 1520-1590. Đặc biệt, có những bạn đạt được 1600 (là số điểm tuyệt đối).

img_4

Điểm SAT ở đây có tính chất cực kỳ quan trọng trong bộ hồ sơ. Bởi chỉ trừ năm 2020, 2021 các trường đại học top 100 của Mỹ cho phép việc nộp điểm SAT là optional thì các năm trước và năm sau, các trường đều yêu cầu điểm SAT là bắt buộc phải nộp, hoặc nó sẽ mang tính cạnh tranh cao hơn khi nộp hồ sơ đi du học Mỹ.

Nói thêm 1 chút về việc đi thi SAT, năm 2021 là một năm mà học sinh của mình phát sốt lên vì đợt đó đang đỉnh điểm dịch Covid 19, không được tổ chức thi SAT. Cứ lần nào chuẩn bị đến tháng 3 hay tháng 5 là lại thấp thỏm xem có được đi thi không. Cả phụ huynh và học sinh lao đao, cán bộ tư vấn như mình cũng không yên được. Mỗi ngày có mấy chục cuộc gọi đến bảo lo quá, không biết có được thi không, rồi thi xong có được điểm tốt không mà nộp. Lúc đó, bọn mình phải rà soát một loạt xem chính sách của các trường như thế nào.

img_5

Do tình hình dịch Covid 19 diễn biến quá nặng nề, hội đồng tuyển sinh của một số trường bên Mỹ đã quyết định không bắt buộc lấy điểm SAT (SAT optional) của học sinh, đặc biệt là học sinh quốc tế. Thế nên, khi tìm trường, mình tập trung tìm những trường mà họ không yêu cầu điểm SAT, mà bảo học sinh của mình nộp hồ sơ của những trường đó. Kết quả là học sinh mình chỉ cần mỗi điểm IELTS hoặc Duolingo nhưng cũng vẫn có thể đỗ được các trường bên Mỹ (như University of Massachusets-Amherst (#68NU), hay Depawn University (#46LAC)…

Điểm cần lưu ý đặc biệt là kỳ thi SAT chỉ có 5 lần/năm, thêm vào đó là học sinh có thể sẽ muốn thi 2-3 đợt trong cùng 1 năm, nên khả năng hết chỗ thi là rất nhanh. Các bạn muốn đi thi SAT thì cần nhanh chân đăng ký từ bây giờ nhé. Mình đã có lần chứng kiến việc đăng ký thi SAT chỉ sau 1 đêm đã hết sạch chỗ ở Hà Nội, chỉ còn chỗ ở Sài Gòn và Đà Nẵng, chứng tỏ lượt đăng ký thi quá đông đảo. Các bạn cần chuẩn bị tâm lý và đăng ký sẵn tài khoản của mình ở trên College Board, đến khi vào đăng ký là chỉ cần tìm ngày và chỗ thi thôi, chứ không mất công đăng ký là rất dễ bị hết chỗ nhé.

img_6

Lợi thế đặc biệt của SAT – Super Score

Super Score là một chiêu bài lợi hại, có thể lật đổ tình thế khi bạn thi SAT mà 1 môn chưa được như mong muốn. Khi tính điểm, SAT có thể tính theo dạng Super Score (cộng điểm thành phần cao nhất). Nếu bạn thi 1 lần thì không superscore được do chẳng có điểm nào nữa để cộng vào cho bạn. Nhưng nếu bạn thi 2 lần, sẽ lấy điểm cao nhất của từng kỹ năng cộng vào với nhau. Điều này lại trở thành một điểm lợi cho các bạn sau này.

Lấy ví dụ như:

– Thi lần 1: điểm Toán là 700, điểm Đọc hiểu và Ngôn ngữ là 600. Tổng điểm là 1300

– Thi lần 2: điểm Toán là 600, điểm Đọc hiểu và Ngôn ngữ là 750. Tổng điểm là 1350

Lần thi thứ 2 đã tốt hơn lần thi thứ nhất là mừng rồi đúng không? Nhưng chưa hết. Bạn có thể cộng 2 phần điểm thành phần cao nhất vào để có lợi thế cộng điểm. Như bạn có thể lấy điểm Toán thi lần 1 là 700 cộng với điểm Đọc hiểu và Ngôn ngữ750 để ra số điểm 1450. Lợi thế hơn nhiều đúng không?Vì vậy, hãy cố gắng thi phần nào làm tốt nhất phần đó, lần sau thi cố gắng hơn lần trước, để có thể có lợi thế khi Super Score nhé!

img_7

Tất nhiên là không phải trường nào cũng nhận điểm SAT Super Score. Có những trường sẽ chỉ chấp nhận điểm thi cao nhất của mỗi lần thi, hoặc cần gửi hết tất cả các điểm đã thi. Nhưng nếu theo chiến thuật chọn trường của mình thì trong khoảng 10 trường, thì cũng đến 8 trường nhận Super Score rồi, nên bạn cứ yên tâm mà cố gắng thi SAT cho tốt nhé!

Tiếp theo, mình sẽ nói đến những thông tin quan trọng về thước đo năng lực tiếng Anh như IELTS, TOEFL, thêm 1 chiến binh lợi hại nữa là Duolingo, và giải thích thêm về AP (Advance placement) và tại sao nó lại quan trọng? Các bạn hãy đón chờ phần tiếp theo nhé!

Nguồn ảnh: Unplash

#journeywithmay #GPA #SAT #duhocmỹ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận