Trước khi vào bên trong Đại sứ quán Mỹ, mình không ngờ khả năng để một người lạ mặt lọt vào bên trong là 0.
Để vào được đó, mình phải qua một lớp cổng an ninh. Ở chỗ cửa an ninh, mình để ý có 3 khoang. Các khoang đều có những cánh cửa thép mở ra vào 2 chiều với lớp cửa kính thật dày chống đạn. Khoang đầu tiên là khoang để đi vào, ở bên trong khoang cửa đó sẽ có một chiếc máy dò an ninh những đồ vật mà khách mang theo người, giống chiếc máy dò an ninh ở cửa hải quan sây bay, mình sẽ đưa đồ vật vào, để nó từ từ chạy và chụp lại ảnh đồ vật theo kiểu X-Quang, dò xem những người đi vào có cất giấu vật gì gây nguy hiểm hoặc vật gì sát thương cho những người bên trong tòa nhà, nơi có cực kỳ nhiều những nhân vật cộm cán làm cho đại sứ quán Mỹ. Có thể nói, việc bảo vệ an ninh của nước Mỹ đúng là số 1.
Khoang thứ 2 sẽ là khoang của những người bảo vệ và soát cổng. Bên trong, họ sẽ có một giá gỗ có cực kỳ nhiều ô trống nhỏ để để giấy tờ tùy thân của những người bên trong tòa nhà. Đồng thời họ cũng có những chiếc tivi theo dõi mọi ngóc ngách trong tòa nhà để bảo vệ an ninh và dập tắt được biến cố nếu có manh nha chuẩn bị xảy ra. Ở đây, họ sẽ giao tiếp với bạn qua một 1 khe cửa bé tí để thu lại chứng minh thư của bạn và phát cho 1 chiếc thẻ kẹp vào áo – gọi là thẻ khách – để chứng minh bạn đã được kiểm tra và bạn có thể vào trong được rồi.
Còn khoang thứ 3 là cửa đi ra. Ở đây nếu ai đi ra ngoài đều phải qua cửa này. Lúc đi ra bạn sẽ đẩy cửa, tháo thẻ khách, đưa vào khe cửa sổ và họ sẽ trả căn cước công dân cho bạn. Bạn đẩy cửa bước ra, thế là xong.
Vậy là mình vào khoang 1. Mình không nhớ hôm đó mình cầm những gì vào. Chắc chỉ có giấy tờ với balo nhỏ mình mang mấy thứ như ví, điện thoại đi…Vào đến nơi, họ bảo tháo balo ra, cho vào đường ray cuốn màu đen của máy dò an ninh, đường ray cuốn đó chạy ro ro ro ro đưa cái túi của mình vào. Trên màn hình hiện ra đồ đạc bên trong trông như chụp X-Quang. Mình cũng phải đi qua một lớp cửa an ninh nữa. Kiểm tra không thấy mình có gì khác thường, thế là họ cho vào, hướng dẫn lên tầng 2.
Lên đến nơi, mình thấy căn phòng phỏng vấn được chia ra làm nhiều khu vực. Và có rất nhiều người đang xếp hàng ở từng khu. Bên ngoài cửa, ở phía tay trái là khu kiểm tra giấy tờ và lấy dấu vân tay. Người ta xem lại tờ hóa đơn đã trả tiền và đơn DS160 đã điền thông tin đầy đủ hướng dẫn mình lăn vân tay 10 ngón. Sau đó mình xếp hàng để chờ vào trong phỏng vấn.
Ở khu phỏng vấn có 3 booth trực. Tất cả đều kín người. Mình vào trong đó và cũng xếp hàng dần ở 1 trong 3 booth đó. Mình phải công nhận là, so với hồi mình xếp hàng làm hồ sơ đi xin visa Ý để đi du học thì số lượng người đi Mỹ đông hơn hẳn. Đông hơn rất nhiều. Trong khi chỗ khu visa Ý vắng lặng, ít người, thì khu visa Mỹ đông đúc, nhiều người xếp hàng chờ đợi. Tất nhiên không phải ai cũng được cho đỗ visa. Còn phải phụ thuộc khá là nhiều vào việc họ có sang Mỹ theo một cách hợp pháp không, họ có biết lịch trình chuyến đi không và người bão lãnh cho họ sang có phải là một cơ quan uy tín hay là một người đang chuẩn bị làm thủ tục định cư tại Mỹ. Thường trường hợp này khá là khó để cho người nhà xin được visa do bên Mỹ họ cũng sợ việc có người thân đang làm định cư bên Mỹ sẽ dễ cho người nhà ở lại bên đó, tạo gánh nặng cho xã hội Mỹ. Vì vậy bạn nào có người thân đang ở Mỹ chuẩn bị thủ tục làm định cư hãy cân nhắc kế hoạch và thời gian đi phỏng vấn nhé.
Lúc xếp hàng, mình cũng vừa ôm tập tài liệu, vừa hồi hộp, lo lắng lắm, vì phía trước mình đã có người phỏng vấn bị trượt xong. Họ hỏi gì về việc bà mẹ sang bên Mỹ để thăm con, nhưng cũng không nhớ là thăm ở đâu, vị trí bang nào. Con làm nghề gì cũng không rõ. Trong khi người phỏng vấn (là người Mỹ và cả người Việt để phiên dịch) cũng khá là kiên nhẫn, nhưng bà không trả lời được nên họ trả lại hộ chiếu và phát cho 1 tờ giấy báo trượt. Về sau mình mới biết tờ giấy đó ghi khá là chung chung, đại loại là không đủ điều kiện và vi phạm 1 trong những quy định của Đại sứ quán Mỹ nên là không đỗ. Hic, mình cảm thấy cũng lo sợ và bất an phết!
Mãi sau mới đến lượt mình. Mình bình tĩnh, hít một hơi thật sâu và rảo bướt về viên đại sự quán. Hôm đó, mình mặc một chiếc váy xinh, nhã nhặn và vừa mắt (mình nghĩ thế :)) Mình nở nụ cười tươi chào viên đại sứ quán. Điều nay rất quan trọng vì họ thấy mình tươi cười và ưa nhìn thì sẽ có thiện cảm ngay từ đầu. Mình cũng không quá dựa vào việc đánh ra theo vẻ bề ngoài đó, nhưng mình cứ chuẩn bị cho bản thân một tác phong đúng ngay từ đầu để họ không có lý do gì đánh trượt mình vì tác phong bề ngoài, mà cũng khiến cho mình tự tinh và bình tĩnh hơn.
Viên đại sứ quán nhận hộ chiếu của mình, hỏi xem về thư mời và bắt đầu hỏi những câu hỏi sau đây:
-Tại sao bạn muốn đến Mỹ?
-Bạn đi đến địa điểm nào?
-Bạn sẽ làm những gì ở Mỹ?
-Bạn đi trong thời gian bao lâu?
-Bạn đi với ai không? Có bao nhiêu người đi với bạn?
Các câu hỏi này đều là những câu mình đã tập luyện qua rất nhiều lần. Vì vậy mình mỉm cười, trả lời tự tin, trôi chảy. Tất cả các câu trả lời, mình đều nói chậm rãi, từ tốn và chi tiết hết sức có thể. Chẳng hạn với câu hỏi tại sao bạn muốn đến Mỹ, mình sẽ nói là mình đưa học sinh đi Trại hè + tên trại hè. Cụ thể về 3 địa điểm mà đoàn mình sẽ đến, bao gồm Boston, New York và Washington DC. Mính sẽ đi chương trình này trong 2 tuần, tuần 1 mình sẽ tham quan trường đại học Harvard và MIT, tuần thứ 2 mình sẽ đi tham quan New York và đi Washington DC để đưa các học sinh đi ngắm cảnh nổi tiếng tại các khu nội đô New York như Tượng Nữ thần Tự Do, khu Quảng trường thời đại, ngắm toàn cảnh New York ở tháp cao nhất (chính là tòa tháp lấy bối cảnh cho phim King Kong). Qua Washington DC ngắm Đồi Capitol và chiếc tháp bút ở Washington DC, tượng tổng thống Lincoln và đến thăm bảo tàng Smithsonian…
Nghe mình trả lời chi tiết, viên đại sứ quán khá là hài lòng. Ông chỉ hỏi thêm đúng 1 câu:
-Trường đại học bạn đã theo học tên là gì?
Mình ngớ người ra đúng 1 giây vì câu này ngoài tầm kiểm soát, chưa kịp chuẩn bị. Nhưng cũng nhanh chóng trả lời: “Trường đại học Hà Nội”. Và sau đó, viên Đại sứ Quán chúc mừng mình và thu lại hộ chiếu để sau đó, họ sẽ in visa vào đó. Mình vui sướng không thể tả được. Mình chỉ biết cảm ơn và sau đó yên lặng đi ra. Nhưng khi ra đến nơi, mình nhảy cẫng lên vì sung sướng và nói với người bạn đồng nghiệp: “Đỗ rồi cậu ơi!”
Ba ngày sau, mình nhận được visa. Lần đầu tiên trong cuộc đời 26 mùa xuân, mình – đang cầm chiếc visa mà bao nhiêu người ao ước!
Vậy là hành trình đi Mỹ của mình chính thức bắt đầu!
#journeywithmay #visamy #duhocMy #phattrienbanthan