Viết lách cũng kiếm được 800 triệu/năm?

Tiêu đề hơi “giật tít” này là do mình lấy nguồn cảm hứng từ cuốn sách “Con Đường Trở Thành Freelance Writer – Tôi Đã Kiếm 800.000.000 Một Năm Từ Viết Lách Như Thế Nào?” của chị Linh Phan, với kinh nghiệm 15 năm học và làm việc trong lĩnh vực Truyền thông Tiếp thị, sau đó tiếp tục học và nghiên cứu sâu về Tâm lý học trẻ em và hiện đang hoạt động chính trong lĩnh vực này, hiện tại đang sinh sống và làm việc tại Na Uy.

Nguồn ảnh: RIO book

Cuốn sách là hướng dẫn cơ bản và không quá xa vời thực tế cho những người thích viết, yêu viết và muốn viết lách để kiếm tiền. Trong cuốn sách này, chị sẽ hướng dẫn chủ yếu về cách tư duy và cách các bạn nên làm để có thể có một “business” kiếm được tiền từ viết lách chứ không chỉ giới hạn ở việc đi viết thuê cho người khác.

Chị chia sẻ khá nhiều điều, từ cơ bản đến nâng cao cũng có, cách để deal giá bài viết hoặc là cách để làm việc có hợp đồng để bảo vệ bản thân, cách để kiếm được nhiều tiền hơn từ việc viết lách. Có những ý mình sẽ đồng tình hoặc không đồng tình với chị. Nhưng về cơ bản là sau khi đọc sách, mình rút ra 3 bài học sau mà theo mình là quan trọng nhất, không chỉ việc viết lách mà còn là bất kỳ việc nào mà mình muốn làm để có thể thành công. Đặc biệt bài học thứ 3 là bài học mình rút ra thêm sau một thời gian tập tành viết lách và làm sao để ứng dụng với bản thân. Vì vậy nếu bạn đang muốn tập viết lách và tham khảo cảm nghĩ của mình sau một thời gian viết thì hãy đọc đến cuối bài nhé 😀

Nguồn ảnh: Google

1. Bài học 1: Tầm quan trọng của 10000h

Thứ nhất, cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm việc chăm chỉ và mang tính liên tục. Nếu bạn muốn là 1 người viết tốt nhưng không đều đặn thì có thể, kết quả của bạn sẽ chỉ dừng lại khiêm tốn. Muốn thành công thì yếu tố đầu tiên là bạn cần dành ra ít nhất 2 giờ mỗi ngày để tập viết. Bạn có thể viết tản văn, viết nhật ký, viết nghị luận, review, nhưng ít nhất là cần có một thói quen luyện viết hàng ngày, và dành ra ít nhất 2 giờ đồng hồ. Đọc sách của chị Linh Phan là mình có thể thấy được nỗ lực của chị bỏ ra với công việc viết lách như thế nào. Cũng như mình, chị cũng là một bà mẹ có con nhỏ, nhưng vẫn dành thời gian để viết lách kiếm tiền, đọc sách và năng cao tri thức cho bản thân. Do là một người viết chuyên nghiệp, do đó chị dồn hết sức cho việc viết lách. Chị kể luôn dậy từ 3h sáng và viết tập trung viết ít nhất là 2 tiếng khởi động, trước khi làm các công việc khác trong ngày. Thói quen này đã được hình thành và đi theo chị dài lâu, và chính điều này đã làm nên thành công của chị để có thể chia sẻ trong cuốn sách.

Việc những người thành công có 1 thói quen cố định và làm việc chăm chỉ hàng ngày là 1 đièu mình chú ý và thấy rất có liên kết với cuốn sách mình mới review gần đây là cuốn “The Outliners – Những kẻ xuất chúng” mà mình đã đọc. Về cơ bản mà nói, nếu muốn giỏi về điều gì, hãy bỏ ra ít nhất là 10,000 giờ luyện tập để đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Mình khá là ngưỡng mộ cách chị sắp xếp cuộc sống và thói quen để có thể thành công với việc viết lách như vậy. Đọc xong sách của chị thì công thức thành công của chị không hề khó. Chỉ cần nỗ lực, chăm chỉ, cầu tiến và không dừng lại khi không có kết quả như ý. Chị cũng kể rằng chị chẳng quan tâm lắm đến việc người đọc phản ứng như thế nào với mỗi bài viết của chị. Chỉ cần quan trọng là chị biết rút ra kinh nghiệm sau mỗi bài viết và luôn viết đều đặn là được! 😀

Nguồn ảnh: Pexels.com

Bản thân mình, khi có cũng đã có vài bài viết về phim ảnh được lên báo cũng thấy tư duy này là đúng, mình hay gặp thất bại với việc viết thường xuyên đến nỗi mình coi đó là chuyện quá bình thường. Hồi trước mình cũng tham vọng viết báo để được đăng lên vì nghĩ thế là rất oách. Mình nhớ, lúc còn nhỏ mình còn vẽ tranh, nhờ mẹ cho vào phong bì rồi dán lại để gửi đi đăng báo Họa Mi (nhưng chưa bao giờ thá hồi âm hoặc được đăng) 🙂 Lên cấp 2 thì tập tọe viết truyện cười gửi báo Nhi Đồng, lớn lên môt chút thì tập viết truyện gửi báo Hoa Học Trò. Mình cảm thấy sau mỗi lần không có hồi âm, bị từ chối, tuy rằng cũng buồn buồn chút nhưng mình vẫn thích và quyết tâm tìm đủ cơ hội.

Mãi gần đây đi làm, mình mới có thể tập tành viết lại và có vài bài viết được đăng và có nhuận bút ở trên các tạp chí về thời trang hoặc về phim ảnh. Nhuận bút đó tuy không nhiều, chỉ đủ tiền cafe, nhưng mình vẫn thấy sướng âm ỷ còn hơn đi làm ở chỗ chính nhận lương cao hơn rất nhiều. Mình chợt nhận ra, việc bài mình được đăng lên báo không có nghĩa là mình giỏi lên, mà chính những công sức mình bỏ ra và luyện tập trước đó đã giúp cho mình có được nhiều kinh nghiệm để “mài giũa” bài viết và viết trúng được vấn đề mà người đọc muốn được biết. Do đó, mình sẽ cần làm cho kỹ năng 10,000 giờ này của mình càng ngày càng mạnh lên và tốt lên mỗi ngày là mình cảm thấy rất vui và hài lòng rồi 😀

Nguồn ảnh: Pexels.com

2. Bài học 2: Học hỏi từ những phản hồi

Ngoài ra còn 1 điều mà chị Linh Phan có nói đến trong sách mà mình thấy cũng đúng. Nếu đã viết vì sở thích thì viết xong rồi để đó mỗi mình mình xem cũng được. Nhưng nếu muốn biến việc viết thành một công việc phát triển “chuyên nghiệp” hơn sự nghiệp thì mình bắt buộc phải cho khán giả đọc được mình viết cái gì. Những lời nhận xét, góp ý và chia sẻ thêm của họ chính là những đóng góp bổ ích cho bài viết của mình, để cải thiện nó hay hơn nữa.

Trước đây mình cũng từng nghĩ là, vậy mình cứ viết và để mình đọc thôi, rồi một lúc nào đó mình sẽ công bố sau. Nhưng từ khi mình nghĩ cho đến nay, thì mình ít khi công khai những bài viết của mình. Mình cũng tự nhận là vẫn cảm thấy văn của mình chưa hay lắm, nhưng một phần ngại nhất là mình sợ có comment, đánh giá này nọ. Nhưng sau khi đọc sách của chị Linh Phan thì mình lại thấy là tư duy đó là không đúng, bởi nếu chỉ viết cho mình, mình có xu hướng viết hơi lòng vòng, thỉnh thoảng hơi nhảy cóc suy nghĩ. Nhưng khi viết để mọi người đọc, thì mình phải uốn nắn lại câu chữ, soi lỗi chính tả để đưa ra những câu văn mang tính chính xác, gãy gọn và đi vào chủ đề hơn.

Nguồn ảnh: Pexels.com

Bản thân mình cũng đã từng tự thử mua 1 tài khoản blog xong lười viết và cứ để đó không làm gì cả, Thâm chỉ mình cũng viết rất nhiều bài vào Notion nhưng cũng chỉ để lưu lại để đó và ít khi đọc lại. Đến giờ mình mở ra thấy các bài đó của mình viết…chán thật 🙂 Chỉ đến khi mình thực sự nghiêm túc với việc làm blog và bắt đầu đăng lên thì mới cảm thấy: “Wow, sao mà việc chỉnh sửa lại mất nhiều thời gian như thế”. Bởi mình sẽ soi từng câu chữ, xem xuống dòng cách dòng chuẩn không, chọn ảnh nào cho phù hợp tâm trạng, rồi xem là bài có dài quá/ ngắn quá không để cắt bớt, rồi bài có chuẩn SEO không, cũng phải hết tầm 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi.

Tất cả điều này khiến cho mình cảm thấy viết ra một bài blog không quá khó, nhưng làm sao để cho nó thành hình thành dạng tốt nhất, đến được với bạn đọc lại là chuyện không đơn giản. Và mình cũng chợt nhận ra, chỉ khi bài viết đến với tay bạn đọc, ít nhất là chỉ cần 1 bạn thôi thì bài viết mới “sống”, mới có sự trao đổi và tương tác. Vì vậy, mình sẽ cố gắng luyện tập để viết nhanh, viết đúng và viết được hay hơn. Quan trọng nhất đối với mình khi viết là nội dung mà có thể giúp cho mọi người có được kiến thức, nhận ra được điều gì đó hoặc chỉ cần có cảm hứng để thay đổi bản thân hay không!

3. Bài học 3: Tìm ra mô hình phù hợp với bản thân

Thực ra bài này mình đã viết từ trước ,nhưng đây là phần mới, sau một thời gian thực sự ngồi viết lách thì mình đã chiêm nghiệm thêm được phần này để chia sẻ cho các bạn về mô hình mình cảm thấy phù hợp với bản thân trong thời điểm hiện tại. Đây là những chia sẻ và suy nghĩ của mình, có thể đúng và có thể sai, nên bạn hãy đọc để tham khảo nhé!

Mình hiểu rằng việc tập trung 100% cho một công việc nào đó là một việc cực kỳ tốt. Với những người muốn theo đuổi nghề viết chuyên nghiệp, việc ngồi viết tập trung 100% là việc bắt buộc phải làm. Nhưng tuy nhiên, nếu bạn có một sở thích hoặc đam mê nào đó và đang lưỡng lự trong việc có nên theo đuổi nó một cách chuyên nghiệp hay bán chuyên thì mình nghĩ là bạn nên bắt đầu bằng việc thử nó trước trong thời gian rảnh đã để xem bạn thực sự hợp với nó đến đâu, rồi mới nghĩ đến chuyện thực sự nghiêm túc đi theo con đường đó không.

Nguồn ảnh: Pexels.com

Ví dụ như mình. Mặc dù mình yêu việc viết kinh khủng, mình có thể ngồi viết và tạo ra một chút thu nhập, tuy nhiên mình cũng tự nhận ra rằng việc đó không đủ khả năng để cạnh tranh với những người được đào tạo chính quy. Hơn nữa, việc viết lách này với mình không phải để kiếm tiền, mà là để thư giãn lưu lại những kinh nghiệm, kỷ niệm, ký ức của bản thân, và mong giúp ích được cho người khác. Cho nên việc viết để có tiền không phù hợp với mình trong thời điểm này. Mình đã nghiên cứu một vài “thủ thuật” về viết lách, tăng like, câu view… và mình cảm thấy mình không làm được, do mình chỉ muốn viết đúng với những gì bản thân thực sự muốn và mình hiểu rõ chắc chắn về vấn đề đó thôi!

Việc tạo ra nhiều nguồn thu nhập là một điều tốt. Tuy nhiên, với thời điểm hiện tại, mình thấy mình sẽ không thể viết được nếu mình bị áp lực bởi việc kiếm tiền từ việc viết. Để viết sáng tạo, đòi hỏi mình cần suy nghĩ thật kỹ về một vấn đề và mất thời gian trong việc triển khai chứ mình cũng không thể nào ngồi viết thật nhanh và sản xuất hàng loạt được. Vì vậy mà mình thích việc viết lách là một thú vui với mình và không bị ràng buộc hay đặt hàng từ ai hết, mà bản thân việc viết khiến cho mình vui và thấy có ý nghĩa là được.

Nguồn ảnh: Pexels.com

Do vậy mình đã tìm ra mô hình khá phù hợp với mình ở thời điểm này. Đó chính là việc mình vẫn thích đi làm để có thu nhập đều đặn. Từ đó, mình sẽ có thể dành ra một phần thu nhập và thời gian cố định cho việc viết lách. Đối với mô hình này, mình không phải lo nghĩ về những chủ đề phải hot, phải câu like, câu view, mà vẫn thỏa sức sáng tạo vô biên và không giới hạn bởi mình đã có thu nhập từ một nguồn cố định khác. Việc có hai công việc cùng một lúc là việc cũng khá bình thường và mình cũng học hỏi từ các “đàn anh đàn chị” đi trước như chị Chi Nguyễn (người đã inspire rất nhiều trong việc mình làm blog) – vừa làm tiến sĩ giáo dục tại Mỹ và vừa làm blogger-youtuber-podcaster. Hay như tác giả cuốn sách Deep Work là Cal Newport -cũng làm là tiến sĩ tại trường đại học Georgetown (Mỹ), vừa có một trang blog cá nhân và xuất bản rất nhiều cuốn sách best-seller như Digital Milimalism,

Chỉ với 1 cuốn sách mà mình đã rút ra được 3 bài học khá quan trọng trong việc viết lách với mình, đó là duy trì đều đặn, đăng lên để có phản hồi, giúp cho bài viết có được đời sống riêng khi đến với độc giả. Bên cạnh đó cần tìm ra mô hình viết phù hợp với bản thân. Còn bạn, để theo đuổi đam mê với việc viết, bạn cảm thấy cách thức hoặc mô hình nào là phù hợp với bản thân? Hãy chỉa sẻ hành trình viết của bạn cho mình nhé!

Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Chúc các bạn một cuối tuần bình yên và vui vẻ!

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận