Xin visa du học Mỹ (phần 3): 5 câu hỏi “ăn điểm” để phỏng vấn visa Mỹ thành công

Phỏng vấn visa Du học Mỹ chính là “chốt chặn” cuối cùng để sau đó, nếu vượt qua thì con đường đến với nước Mỹ sẽ thênh thang rộng mở và chào đón bạn. Nhưng trên con đường đi phỏng vấn xin visa du học Mỹ, ngoài việc chuẩn bị giấy tờ, điền đúng thông tin trong hồ sơ thì các bạn còn cần lưu ý gì? Sau đây chinh là những lưu ý của mình dành cho các học sinh chuẩn bị đến với buổi phỏng vấn visa Mỹ

Các bạn có thể đọc loạt bài ở dưới đây nhé:

Xin visa du học Mỹ (phần 1) – Giấy tờ quan trọng cần chuẩn bị

Xin visa du học Mỹ (phần 2) – 6 bước đăng ký xin visa du học Mỹ

Xin visa du học Mỹ (phần 3) – 5 câu hỏi phỏng vấn “ăn điểm” bạn cần biết khi xin visa du học Mỹ

1. Chuẩn bị về giấy tờ

Việc chuẩn bị giấy tờ cẩn thận, đầy đủ luôn là yếu tố đầu tiên cần phải lưu ý khi đi phỏng vấn visa Mỹ. Bạn sẽ không thể nào lọt qua được cửa an ninh nếu như bạn không đầy đủ giấy tờ như phần 1 mình đã có một bài viết rất chi tiết về việc này. Lưu ý là giấy tờ nên để phân loại theo nhóm trong một tập hồ sơ theo như dưới đây:

– Giấy tờ về hồ sơ cá nhân như hộ chiếu, căn cuóc công dân, ảnh…

– Giấy tờ liên quan đến trường bạn sắp theo học và bảng điểm cấp 3

– Giấy tờ liên quan đến phụ huynh: sổ tiết kiệm, bảng lương, các giấy tờ về cho thuê nhà hoặc giấy tờ liên quan đến công ty riêng (nếu có)

Bạn có thể đọc thêm bài viết của phần 1 để biết được rõ hơn những giấy tờ cần chuẩn bịphần 2 để biết cách điền thông tin xin visa Mỹ nhé!

2. Chuẩn bị về tác phong, vẻ bề ngoài, thái độ

Ở phần này thì mình chỉ có 2 từ khóa: đến sớm trước 15-30 phút và ăn mặc chỉnh chu

– Đến sớm trước 15-30 phút: Trước khi đến với phần tác phong thì điều quan trọng nhất mà mình hay dặn phụ huynh và học sinh chính là việc bạn cần phải có mặt ở đại sứ quán trước ít nhất là từ 15-30 phút so với giấy hẹn phỏng vấn để phòng trường hợp nếu có quên hay thiếu giấy tờ nào thì có thể kip thời về lấy bổ sung.

Thường mình sẽ luôn check trước giấy tờ ở công ty cho họ thật cẩn thận và đầy đủ rồi. Nhưng với một số học sinh mà kỹ năng phỏng vấn hoặc trả lời câu hỏi vẫn chưa được tốt thì để đảm bảo hơn nữa, mình hay đi cùng với họ để ôn luyện lại trước khi đến giờ G. Mình luôn có tâm niệm rằng kể cả bạn có phát âm tiếng Anh kém, nhưng nếu như có sự chuẩn bị từ trước kỹ càng và đầy đủ về giấy tờ cũng như phỏng vấn thì bạn sẽ không phải lo lắng và sẽ dễ đạt được visa Mỹ hơn rất nhiều so với những bạn không có sự chuẩn bị hoặc có tâm lý coi thường việc chuẩn bị từ trước.

Bên cạnh đó, việc đến sớm cũng khiến cho bạn bình tĩnh hơn, có thời gian chuẩn bị, xem lại giấy tờ, ôn lại câu hỏiquan sát tình hình mọi người ra vào phỏng vấn. Chính thời gian “tĩnh lặng trước giông bão” này đã giúp cho mình và các học sinh “hóng” được một số thông tin như hôm nay ai phỏng vấn, phỏng vấn có khó không, phỏng vấn hỏi nhiều không…Đồng thời khi bạn đến sớm và tự tin thì thái độ và cách trả lời của bạn cũng sẽ đồng thời vô cùng mạch lạc và tự tin hơn rất nhiều.

Ăn mặc chỉnh chu: tác phong là phần vô cùng quan trọng, bởi việc nhìn phong thái hoặc cách ăn mặc của bạn, bên Đại sứ quán có cảm thấy tin tưởng hoặc có cảm tình với bạn hay không. Ở đây không có nghĩa là bạn cần diện một bộ đồ quá lộng lẫy hoặc điệu đà, hoặc trang điểm quá đậm không phù hợp.

Thường thì với học sinh, mình hay khuyên các bạn nên mặc theo kiểu “smart casual”, tức là ăn mặc chỉnh chu, lịch sự và không quá cứng nhắc. Thường nếu với các bạn nam hoặc nữ thì có thể mặc áo sơ mi có cổ cùng với quần dài hoặc chân váy đến đầu gối. Các bạn cũng có thể mặc đồng phục với bảng tên/ logo của nhà trường ở trên áo. Điều này cũng giúp cho Đại sứ quán nhận biết được bạn học ở trường nào mà không cần phải hỏi nhiều hoặc giơ bảng điểm ra.

Lưu ý: Các bạn nữ nên tránh ăn mặc quá gợi cảm, hở hang hoặc với các bạn nam thì mặc quần đùi, áo ba lỗ khi đến phỏng vấn, nhìn không nghiêm túc và dễ trượt với vẻ bề ngoài như vậy.

3. Phỏng vấn

Giờ thì đã đến phần quan trọng nhất của buổi phỏng vấn, chính là lúc mặt đối mặt với nhân viên Đại sứ quán. Với phần này, mình khuyên các bạn nên NÓI THẬT những gì mình hiểu biết, bởi nhân viên Đại sứ quán với khả năng “thám tử” được đào tạo kỹ càng sẽ hỏi các bạn hàng loạt câu hỏi và xem biểu hiện, nét mặt, cử chỉ của các bạn để xem những lời bạn nói và các hành động biểu cảm có trùng khớp với nhau không.

Thời gian phỏng vấn thường từ 5-10 phút và sẽ thông tin bạn cung cấp mà Đại sứ quán sẽ hỏi nhiều hoặc hỏi ít tùy vào câu trả lời của bạn xem họ có muốn khai thác thêm thông tin nữa không. Bạn nên nói nhanh, ngắn gọn, đủ ý, tránh lan man dài dòng để bên Đại sứ quán không phải ngắt lời bạn giữa chừng bời họ còn có rất nhiều người khác đang chờ để được phỏng vấn.

Thường thì với phần này, mình hay cho các bạn học sinh một list tầm 30 câu hỏi về các khía cạnh trong bộ hồ sơ chia làm các chủ đề như: thông tin cá nhân, thông tin về trường bạn sẽ học và thông tin về cha mẹ hoặc người thân chu cấp tài chính cho bạn đi học, để các bạn có thể xem và chuẩn bị kỹ càng cho phần này. Tuy nhiên, khi đi phỏng vấn thì các bạn sẽ được hỏi một số câu trọng tâm như sau:

– Tại sao bạn lại muốn đi Mỹ?

– Tại sao bạn chọn trường này? Tại sao bạn chọn học ngành này?

– Bạn đóng bao nhiêu tiền đi học?

– Bố mẹ bạn làm nghề gì? Mức lương của bố mẹ là bao nhiêu và ai sẽ là người chi trả cho bạn đi học?

– Bạn có người thân bên Mỹ không? Nếu có thì họ tên là gì, ở đâu, đang làm nghề gì, tình trạng hôn nhân của họ?

Tại sao lại có các câu hỏi này?

Bởi Đại sứ quán Mỹ sẽ muốn biết được bạn đến Mỹ để làm gì, có đủ điều kiện tài chính để ở nước họ không và có ý định ở lại Mỹ định cư không? Tất nhiên người ta sẽ không hỏi trực tiếp bạn như vậy mà sẽ thông qua các câu hỏi phía trên để xác định xem mục đích thực sự của bạn là gì và bạn có đang NÓI THẬT không với lý do như mình nói ở trên. Họ rất sợ những người muốn tìm cớ trốn ở lại hoặc gây ra gánh nặng về an ninh hoặc kinh tế cho đất nước họ. Vậy nên việc phỏng vấn cũng là một việc sàng lọc ra những thành phần như vậy.

Với từng câu hỏi thì mình sẽ phân tích ở dưới đây:

– Tại sao bạn lại muốn đi Mỹ? Với câu hỏi này thì các bạn hãy nhấn mạnh vào lý do mình đi Mỹ, cụ thể là đi học 4 năm đại học

– Tại sao bạn chọn trường này? Câu hỏi này là câu hỏi sẽ giúp cho người phỏng vấn biết được bạn có thực sự hiểu và thích trường không hay bạn chỉ chọn vu vơ đại một trường đi học. Lý do muốn biết là để chắc chắn bạn chọn trường có chủ đích và sẽ phục vụ cho mục đích học của bạn chứ không phải để sang đó định cư hoặc tham quan cho có

Để trả lời cho câu hỏi này, bạn có thể nêu ra từ 1-3 ý, thường là về chất lượng đào tạo của trường, hoặc về việc trường ở vị trí địa lý mà bạn mong muốn hoặc trường cho được mức học bổng phù hợp với tài chính

– Tại sao bạn học ngành này? Câu hỏi này bổ trợ cho việc tại sao bạn chọn trường. Bên Đại sứ quán muốn biết được bạn có chí hướng theo đuổi ngành này không và lý do là tại sao để biết chắc chắn rằng bạn có chủ đích chọn ngành và sẽ theo đuổi nó trong 1 thời gian dài.

Để trả lời cho câu hỏi này, bạn có thể nói về lý do bạn chọn ngành là do bạn có mong muốn được hiểu biết sâu về ngành đó để phục vụ cho một mục đích sau này (như ngành hóa sinh, kinh doanh, phân tích tài chính…), muốn được phát triển hơn để sau này nối nghiệp kinh doanh gia đình…

– Bạn đóng bao nhiêu tiền đi học? Thường các bạn nên dựa vào I-20 như mình nói ở phần 2 để có thể nói được chính xác con số mà trường bạn cho học bổng bao nhiêu và sau khi trừ đi thì còn lại bao nhiêu tiền bạn phải đóng.

– Bố mẹ bạn làm nghề gì? Bạn cần phải nắm rõ bố mẹ đang làm ở chức vụ nào, đang làm ở công ty nào và với mức lương bao nhiêu tiền một tháng hoặc một năm. Do họ muốn học sinh đi học cũng cần phải biết được thông tin của bố mẹ mình đang làm vì và có chu cấp được đủ cho mình không. Bên cạnh đó, nếu gia đình có công ty riêng thì nên có một những giấy tờ chứng minh đi kèm và học sinh cũng cần nắm được bố mẹ làm chức vụ gì trong công ty riêng, có thu nhập bao nhiêu, có bao nhiêu người làm cho công ty của bố mẹ…

– Bạn có người thân bên Mỹ không? Đây là câu hỏi cực kỳ quan trọng quyết định xem bạn có thể đi Mỹ không. Nhiều người ngại việc nói có người thân bên Mỹ sẽ giảm khả năng được đi Mỹ do sợ có mối liên hệ với Mỹ, nhưng thực ra không phải. Đại sứ quán nếu cần họ có thể điều tra ra được luôn tông ty họ hàng hoặc người quen thân của bạn ở bên Mỹ là ai, nhưng họ để cho bạn tự khai và nhìn nét mặt, biểu hiện của bạn để xem bạn có nói thật hay không. Những câu họ có thể hỏi là: họ tên người thân là gì, đang sinh sống ở đâu, đang làm nghề gì, tình trạng hôn nhân của họ…và xem bạn có thực sự biết về người thân đó không.

Đừng lo bởi vì nếu bạn trả lời đầy đủ và trung thực thì bạn chắc chắn sẽ đỗ Visa đi du học Mỹ!

Sau 3 phần nói về việc xin visa du học Mỹ gồm có những giấy tờ cần chuẩn bị, cách điền đơn visa và chuẩn bị cho việc đi phỏng vấn visa Mỹ thì mình mong rằng các bậc phụ huynh và học sinh cũng đã nắm được cơ bản những thông tin cần thiết để có thể có được visa đi du học Mỹ. Chúc các bậc phụ huynh và các em học sinh thành công!

Nếu thấy bài viết có ích thì xin mọi người like hoặc share post này để có thể đến với những người đang rất cần nhé ạ! XIn cảm ơn cả nhà!

#journeywithmay #visamy #duhocmy

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận